Những cây cầu vượt

Share on:

Nơi tôi sống ở cạnh một con đường lớn. Có ngày từng đoàn xe tải hồng hộc chạy qua, người đi đường nhiều phen hốt hoảng với nhịp thở hối hả của phát triển. Băng ngang đường đôi khi là việc không thể, bởi vì vô cùng nguy hiểm. Ở đoạn đường này, đi bộ, đi xe đạp không còn đồng tốc với các phương tỉện đồ sộ khác. Sự không đồng tốc này gây nguy hiểm cho con người.

May thay đã có đường hầm kỹ thuật. Có lần một mình đi băng qua, nghe âm âm tiếng động hai đầu cửa hầm, tôi vừa đi vừa thấy run run. Có lẽ hiểu được nỗi sợ của người đi, anh bảo vệ đã mở nhạc ầm ầm.

Nhiều con đường trong thành phố giờ đã có thêm những cây cầu vượt. Cái đã sử dụng được, cái còn dở dang lối cầu thang lên xuống. Đô thị văn minh phải có chỗ cho những người đi bộ. Nhịp điệu phát triển dù có sôi động, sẽ không công bằng nếu bỏ qua, hay gây áp lực cho những gì không đồng tốc cùng nó. Là những thân phận chậm chân, những người chưa đủ trưởng thành để đi nhanh hay sử dụng phương tiện giao thông nhanh hơn. Cây cầu vượt, vì thế, không chỉ mang ý nghĩa giao thông, nó chính là chỉ dấu của văn minh.

Nó còn nhắc chúng ta về những cây cầu vượt cần có trong khi lớn lên hay già đi của mỗi người. Có cây cầu vượt nào cho mẹ tôi đi qua tuổi già nhiều ưu tư trước mặt và sức khoẻ đã xa hút sau lưng. Có cây cầu vượt nào cho tôi đi qua những bão giông của tuổi dậy thì? Có cây cầu vượt nào cho em đi ngang những biến động tâm lý, nhận thưc của ngày chia tay trẻ con và đôi khi sợ làm người lớn. Không phải ai, không phải tuổi nào cũng có thể hồng hộc ngược xuôi trên con đường lớn vun vút và đầy thử thách của cuộc sống.

Vì thế con chuồn chuồn cắn rốn có khi là cây cầu vượt cho tôi mạnh dạn tập bơi và rồi biết bơi. Khoảnh khắc cosplay một nhân vật truyện tranh là cây cầu vượt cho em vượt qua mặc cảm tự ti, hay xấu hổ khi đến chỗ đông người. Rồi khi đã qua được phía bên kia đường, đôi khi ta tự tin toả sáng, trở nên đúng là chính mình. Trang nhật ký online, một cái nickname trên mạng xã hội là cây cầu vượt cho ta tỏ lòng, tựa vào chốc lát, giúp ta bình tâm trước sự không đồng tốc giữa cái đầy đặn sao quá nhanh của cơ thể, và cái đang chầm chậm đi sau của tính cách, nhận thức, tâm hồn, kỹ năng sống,...

Không phải ngẫu nhiên mà người già và trẻ nhỏ là những người cần đến những cây cầu vượt nhất. Không chỉ để giúp ai đó băng qua con đường đang hối hả, hồng hộc xe cộ tân tiến, đó còn là lối để mỗi người đi qua những khúc quanh đôi khi là ngặt nghèo của cuộc đời. Vì không ai là đáng để phải đứng mãi bên lề đường, mãi là người ngoài cuộc với dòng sống ngược xuôi mỗi ngày.

- Hà Nhân -

true