Tết người trưởng thành
Hôm nay là Hai ba tháng Chạp, cúng Ông Công Ông Táo. Nếu là 7, 8 năm về trước tâm trạng hẳn đã trở nên náo nức về một ngày "khác mọi ngày thường", ngày mẹ chuẩn bị một mâm cỗ cúng tươm tất, bày biện bàn thờ, bố thắp hương khói nghi ngút, cúng khấn một đoạn từ ngữ bí ẩn. Sân sau nhà, mấy con cá chép bằng hai ngón tay, vàng óng ánh mẹ mua từ sáng, lượn lờ trong cái chậu nhỏ với phân nửa nước. Đám con nít hiếu kỳ khi ấy chả biết thực hư, hằng năm cứ nghe đi nghe lại câu chuyện cưỡi cá chép bay về trời, mắt sáng rực rỡ. Lớn lên, mở mang, mới hay câu chuyện thần Táo Quân, sự tích "2 ông 1 bà". Nhưng lớn lên, mọi điều thú vị đó chẳng còn mang lại sự hân hoan, có phải lớn lên là như vậy, là quên đi những niềm vui cũ, hay những niềm vui nhỏ bé ngày xưa không thể vơi lấp những áp lực cuộc sống của con người trưởng thành. Hoặc rằng, lớn lên con người ta bỗng trở nên nhàm chán. Sáng lên công ty, thấy cuộc sống Hà Nội hôm nay vẫn như mọi ngày, cuộc sống vẫn chẳng vì thế mà chậm lại, vẫn list task chưa làm xong, vẫn miệt mài chạy deadline những ngày cuối năm. Hà Nội 6 năm trước là một nơi xa lạ, nhưng đến bây giờ vẫn chẳng thấy thân thuộc.
Hơn hai chục năm từ lúc biết nhận thức, những ngày gần tết luôn là những ngày mang lại thứ tâm trạng háo hức kỳ lạ. Mong chờ về ngày lễ truyền thống lớn nhất năm, không phải đi học, được mua quần áo mới, ăn đồ ăn ngon, thấy bố mẹ dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, chợ tết đông người nhộn nhịp, quất đào mai xếp dọc hai bên đường. Lì xì thì không phải bàn, có những hôm tết, đang bên nhà hàng xóm chơi, thấy nhà có khách là chạy về ngay, dõng dạc 'Cháu chào bác' kèm theo lời chúc tết đã tập đi tập lại. Về sau khi trình độ môn văn vẫn vậy nhưng sự tinh tế đã tiệm cận lên một level mới thì văn mẫu ngày xưa được bài bản thêm đoạn kết bài 'Dạ thôi, cháu lớn rồi'.
Những cảm xúc về ngày tết ấy cứ dần mất đi trong khi ta còn không kịp để ý, tới lúc nhận ra thì đành chỉ biết hoài niệm. Cận tết, mấy năm gần đây luôn bắt gặp trên các trang mạng xã hội những bài viết về việc tết ngày càng trở nên tẻ nhạt, đó là cảm xúc của người viết ra content, hay cảm xúc của đa số người đang trưởng thành. Không phải 'đã' mà là 'đang', vì tôi cũng chẳng biết người lớn tầm tuổi như bố mẹ ông bà có thay đổi suy nghĩ về tết bây giờ so với tết xưa không. Và cũng không chắc khi hỏi đám con nít bây giờ có chán tết không thì sẽ nhận được câu trả lời thế nào, trong suy nghĩ, tôi vẫn luôn tin rằng chúng nó sẽ bảo là không chán, trong mắt trẻ con luôn hiện rõ sự háo hức khi nhắc đến tết. Vậy thật sự tết nay không vui bằng tết xưa hay do chính bản thân con người thay đổi?
Một trong những bài viết của Hà Nhân mà tôi luôn rất thích đó là "Chú bé con trong mỗi người", tôi không thể nhớ chính xác tất cả nội dung (bao gồm cả tên bài viết :D). Đại khái rằng, mỗi chúng ta luôn có một đứa trẻ trong mình - đứa trẻ luôn tò mò về tất cả mọi thứ, luôn mơ mộng về những điều lớn lao, và hạnh phúc với những niềm vui nhỏ bé. Lớn lên bao nhiêu phần lớn trong chúng ta hạ chuẩn mơ ước của mình xuống bấy nhiêu, song song đó, chúng ta không dễ vui với những điều đơn giản, niềm vui bây giờ phải là cái gì đó phức tạp, to lớn. "Nên nhiều khi hãy xem lại những tấm hình cũ thời ta còn thơ bé. Xem lại bé con trong hình, nhớ lại những giấc mơ thời nhỏ, và sờ lên vành tai mình xem đã nóng đỏ lên chưa?” (OK đây là câu tôi nhớ nhất, haha).
Sau tất cả những suy nghĩ trên, tôi mạnh dạn đưa ra kết luận: tết vẫn vui nhưng người đang trưởng thành thấy tết không (còn) vui. Và áp lực trưởng thành, áp lực cuộc sống có lẽ là thứ bị buộc tội. Nhưng tôi cho đó là một ví dụ cho sự phát triển tự nhiên, tới một thời điểm trong cuộc đời chúng ta chẳng thể cứ vô tư được nữa, phải nhìn nhận cuộc sống một cách thực tế hơn, phải học cách thích nghi và tìm ra cách tận hưởng niềm vui trong những sự thay đổi này, đó là cách đúng đắn để đối mặt.
Suy cho cùng, "Bây giờ tôi cũng vẫn còn chờ Tết, không phải vì áo mới, vì thịt gà dưa hấu, mà muốn kết lại một chặng đường, để sau tết sẽ sống những ngày mới. Để thấy những lỗi lầm, những dại dột đã thuộc về quá khứ, không thể chỉnh sửa".
true